Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo tại Việt Nam

Theo nghiên cứu vừa công bố, đến năm 2030, 70% người dân Việt Nam vẫn sẽ sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu.

Tại Việt Nam và nhiều nước châu Á, số lượng xe máy tăng rất nhanh trong các thập niên qua và trở thành phương tiện đi lại phổ biến. Để giải quyết các thách thức giao thông đô thị (tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ùn tắc), Hà Nội đã ban hành Nghị quyết hạn chế và cấm hẳn xe máy vào năm 2030. TP.HCM cũng đang nghiên cứu và sớm có chủ trương về vấn đề này.

Nghiên cứu mới được công bố của trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, đứng đầu là tiến sĩ Vũ Anh Tuấn đã đưa ra nhiều con số hữu ích về thực trạng sử dụng các phương tiện giao thông tại Việt Nam và dự đoán về các hình thức giao thông phổ biến trong năm 2030.

Giao thông công cộng đáp ứng kém, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo.

Theo khảo sát hơn 4.300 hộ gia đình ở 6 tỉnh thành, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo ở tất cả nhóm thu nhập. Trung bình, mỗi gia đình sở hữu 2,4 xe máy và 0,13 ôtô.

Năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo tại Việt NamTại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo ở tất cả nhóm thu nhập.

Đáng chú ý, phương tiện giao thông công cộng chỉ đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại của người dân tại các tỉnh thành, ngoại từ Hà Nội và TP.HCM. Ngay tại 2 đô thị lớn này, hệ thống giao thông công cộng cũng chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại, thấp hơn nhiều so với các thành phố châu Á khác. Chẳng hạn, mức cung cấp xe bus ở Hà Nội là 300 xe/1 triệu dân thì mức trung bình tại các thành phố khác là 1.000-1.500 xe/1 triệu dân.

Cũng theo nghiên cứu này, trong giai đoạn 1995-2016, số lượng xe máy của người dân Việt Nam tăng 13 lần, từ 4 triệu lên 52 triệu xe, tỷ lệ sở hữu xe máy đạt 565 xe/1.000 dân trong khi lượng ôtô tăng từ 460.000 lên 3,25 triệu xe (tăng 7 lần). Tỷ lệ sở hữu ôtô ở Việt Nam rất thấp, đạt 35 xe/1.000 dân, chỉ bằng 1/10 đến 1/20 các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản.

2030, xe máy vẫn là ưu tiên hàng đầu

Theo khảo sát từ phía người dân, tỷ lệ người chọn xe máy thay vì các phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện) hoặc ôtô vẫn ở mức mượt trội, đạt 56 đến 89%. Tại các đô thị trung bình, tỷ lệ lựa chọn này còn cao hơn nữa, đạt mức 89-93%.

Về chủ trương cấm xe máy vào năm 2030, chỉ 30% người được hỏi tin rằng việc cấm xe máy sẽ được áp dụng, trong đó TP.HCM có tỷ lệ thấp nhất (12%). Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, chủ nhiệm đề tài cho rằng việc nhìn thấy những hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng là nguyên nhân khiến nhiều người không tin vào việc lệnh cấm xe máy sẽ được áp dụng.

Làm gì để nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy?

Dựa vào kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nhiều xe máy ở châu Á, tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho rằng cần phải xây dựng một môi trường với các điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông xe máy với 4 điểm.

Năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo tại Việt NamTiến sĩ Vũ Anh Tuấn chia sẻ quan điểm về vai trò của xe máy tại Việt Nam.

Thứ nhất, cần đưa xe máy vào chính sách pháp luật, chẳng hạn quy định mức tốc độ tối đa của xe máy như Nhật Bản, châu Âu, quy định tiêu chuẩn khí thải như Thái Lan, Indonesia, hoặc đưa ra các chương tình kiểm định, bảo dưỡng xe máy trên toàn quốc như Đài Loan, Thái Lan.

Thứ 2, cần cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu thông xe máy, chẳng hạn việc xây dựng làn riêng cho xe máy, vạch dừng ưu tiên vv..

Thứ 3 là yếu tố tuyên truyền giáo dục, chẳng hạn người lái xe dưới 50 cc hoặc xe máy điện phải có chứng chỉ về luật giao thông, người lái mới phải tham gia khóa học miễn phí về kỹ năng điều khiển xe, chiến dịch đội mũ bảo hiểm đúng quy cách vv..

Thứ 4 là việc thúc đẩy áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ an toàn cho xe máy.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay ông đồng ý với một thông điệp: phải ứng xử với xe máy bình đẳng như với ôtô. Theo ông Hùng, lượng xe máy tại Việt Nam là khoảng hơn 56 triệu xe, trong khi xe hơi là hơn 3 triệu (thống kê năm 2016), cao gấp 18 lần nhưng tỷ lệ gây tai nạn có liên quan đến xe máy đạt 65% trong khi ôtô là 33,6%, tức là chỉ gấp 2 lần.

Điều này đồng nghĩa những quy chụp về việc xe máy là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông không hoàn toàn chính xác.

Theo Nhung Anh (Tri Thức Trực Tuyến)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Mách nhỏ chị em Template by Ipietoon Cute Blog Design